'Miếng bánh' được dự báo đạt 28 tỷ USD vào năm 2030 là rất tiềm năng cho các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) khi tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm/GDP còn thấp, tốc độ phát triển kinh tế ổn định… Các chuyên gia cho rằng, tương lai thị trường Việt Nam sẽ sôi động nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
“Ông lớn” tăng vốn, thêm DN gia nhập thị trường bảo hiểm
Mới đây, HĐQT CTCP Tasco (HNX: HUT) ra nghị quyết chấp thuận nâng vốn điều lệ của Công ty TNHH Bảo hiểm Tasco lên hơn 1.200 tỷ đồng, gấp 3 lần hiện tại. Thời điểm tăng vốn trong 6 tháng kể từ ngày Bộ Tài chính có văn bản chấp thuận cho phép.
Theo đó, nguồn để tăng vốn điều lệ sẽ được lấy từ đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, đã được thông qua tại Đại hội cổ đông thường niên tháng 5/2024.
Cụ thể, cổ đông Tasco đã thông qua phương án chào bán hơn 178 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ phát hành 20% (cổ đông sở hữu 5 cổ phiếu được mua 1 cổ phiếu mới) với giá chào bán là 10.000 đồng/CP. Nếu thành công, vốn điều lệ của Tasco sẽ tăng từ 8.925 tỷ đồng lên 10.710 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền thu về từ đợt chào bán sẽ được dùng để góp vốn vào Công ty TNHH Bảo hiểm Tasco (800 tỷ đồng), CTCP VETC (500 tỷ đồng) và Công ty TNHH Tasco Auto (485 tỷ đồng).
Được biết, cuối năm 2022, Tasco mua 100% vốn điều lệ công ty Công ty TNHH Bảo hiểm Tổng hợp Groupama Việt Nam từ Tập đoàn Groupama Assuances Mutuelles (Pháp) và đổi tên thành Công ty TNHH Bảo hiểm Tasco như hiện tại.
Luỹ kế đến 30/09/2024, bảo hiểm Tasco ghi nhận doanh thu hơn 320 tỷ đồng, trong đó số tiền thực hiện chi trả bồi thường hơn 60 tỷ đồng. Bảo hiểm Tasco trở thành một trong những thành viên quan trọng trong chiến lược phát triển của Tasco, nhằm cung cấp sản phẩm bảo hiểm được cá nhân hoá cho xe và chủ xe, với kênh phân phối hiện đại dựa trên hạ tầng 73 showroom của Savico (công ty con của Tasco), phục vụ nhu cầu của khách hàng VETC.
Khi các nhà băng muốn có DNBH của riêng mình để khai thác được tệp khách hàng hiện có, thay vì phải bán chéo
Trước đó, ngày 24/10 Bộ Tài chính đã cấp phép hoạt động cho Công ty Bảo hiểm phi nhân thọ Techcom, với tên tiếng Anh Techcom Nonlife Insurance Joint Stock Company, tên viết tắt TCGIns và trở thành doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thứ 32 tại Việt Nam.
Vốn điều lệ của công ty là 500 tỷ đồng. Số vốn này có sự tham gia của “ông lớn” ngân hàng Techcombank, với tỷ lệ 11%.
Theo giấy phép hoạt động, công ty sẽ tập trung kinh doanh các lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ như bảo hiểm tài sản, xe cơ giới, hàng hóa vận chuyển, cháy nổ, trách nhiệm dân sự, bảo hiểm hàng hải, bảo hiểm sức khỏe, và các loại bảo hiểm đặc thù khác. Công ty cũng tham gia kinh doanh tái bảo hiểm và các dịch vụ nhượng tái bảo hiểm.
Vào đầu tháng 2/2024, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Xuân Thành chính thức đổi tên thành Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm LPBank, nhận diện thương hiệu mới và địa chỉ trụ sở chính. Trước đó, từ tháng 8/2020, LPBank đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với bảo hiểm Xuân Thành và sau 4 năm chính thức sáp nhập vào hệ sinh thái của mình.
Hiện, có thể dễ dàng nhận thấy, khá nhiều mối quan hệ “anh em” giữa các ngân hàng lớn và bảo hiểm như Vietinbank - VBI, Agribank - ABIC, Vietcombank – Vietcombank Cardif, BIDV - BIC, VPBank - OPES, MBBank - MIC…
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các định chế tài chính, cụ thể là ngân hàng sở hữu tệp khách hàng rất lớn, chính vì lợi ích sẽ có được từ việc hoàn thiện hệ sinh thái, cùng với đó hoạt động bancassurance (bán chéo) đang gặp khó khăn. Điều này thúc đẩy các ngân hàng thành lập DNBH của chính mình hoặc đi thâu tóm các DNBH khác.
“Tương lai sắp tới, kinh doanh bảo hiểm bao gồm cả nhân thọ và phi nhân thọ là những mảnh ghép tất yếu cho mô hình tập đoàn trong hệ sinh thái”, vị chuyên gia kinh tế khẳng định.
Thị trường tiềm năng, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro
Chia sẻ với Đầu tư Tài chính, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho biết, việc thị trường có thêm DNBH phi nhân thọ mới hoặc, nhiều công ty tăng vốn thể hiện năng lực tài chính, nhằm mục tiêu mở rộng, chiếm lĩnh thị trường vốn được cho là còn nhiều dự địa để tăng trưởng.
Đầu tiên, số liệu Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cho thấy, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm (penetration rate, được tính bằng tỷ trọng phí bảo hiểm trên GDP), tỉ trọng chung của toàn thị trường bảo hiểm Việt Nam chỉ ở mức từ 2%-3% (trong đó tỷ trọng của bảo hiểm phi nhân thọ chưa đến 1%). Nếu theo số liệu trung bình toàn thế giới tỉ trọng này ở mức khoảng 6-7%, các quốc gia trong khu vực Asean với nhiều đặc điểm về dân số, văn hóa… tương đồng với Việt Nam như Malaysia, Thái Lan ở mức khoảng từ 4.5% đến 5%.
“Thị trường bảo hiểm Việt nam được dự báo là sẽ còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng trong thời gian tới, với dân số trẻ và tốc độ phát triển kinh tế ổn định”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Tiếp theo, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ mới ra đời gần đây đều là công ty con thuộc ngân hàng, tập đoàn lớn, là miếng ghép để hoàn thiện hệ sinh thái bao gồm nhiều mảng kinh doanh tài chính, dịch vụ…nhằm phục vụ tốt hơn cho nhu cầu trọn gói của người tiêu dùng, tận dụng được hệ thống kết nối nội bộ sẵn có và hưởng lợi từ các sản phẩm/giải pháp bảo hiểm được thiết kế chuyên biệt cho các nhu cầu được bảo vệ đa dạng.
Những rủi ro mang tính thảm hoạ sẽ là thách thức đối với các "tay chơi" mới trong mảng bảo hiểm phi nhân thọ
“Các công ty bảo hiểm mới ra đời nằm trong hệ sinh thái đó, cũng tận dụng tệp khách hàng để bán chéo, việc tiếp cận và quản lý khách hàng cũng rất thuận lợi”, ông Tuấn nói thêm.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng nhận định, sự ra đời của các doanh nghiệp bảo hiểm mới sẽ làm gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường này đặc biệt là ở thời điểm hiện tại thị trường đã cạnh tranh khá khốc liệt với tổng số 32 DNBH phi nhân thọ.
Điều này có thể dẫn đến việc, làm nảy sinh các hình thức cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường: không trung thực trong việc tư vấn,chào phí phá giá,… làm ảnh hưởng trực tiếp đến người được bảo hiểm khi họ không có được nhận thức đầy đủ về rủi ro của mình cũng như trách nhiệm phải quản lý tốt tài sản được bảo hiểm của mình.
Do đó, các bộ ban ngành liên quan cần phải có sự giám sát chặt chẽ, các quy định cụ thể và chế tài mạnh mẽ nhằm mang tính răn đe, kiểm soát thị trường bảo hiểm và bảo vệ người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, vị đại diện IAV cũng quan ngại, với một loạt các rủi ro mang tính thảm họa xảy ra như đại dịch Covid, các cơn bão lớn đang xảy ra tần suất ngày càng nhiều, đòi hỏi các doanh nghiệp bảo hiểm phải có đội ngũ khai thác nghiệp vụ thẩm định rất chặt chẽ và chính xác để bảo vệ họ trước những rủi ro lớn, vượt quá khả năng chi trả ảnh hưởng đến tài chính của doanh nghiệp.
“Tiềm năng của thị trường là có tuy nhiên tiềm ẩn nhiều rủi ro đòi hỏi các doanh nghiệp phải cẩn trọng và đánh giá rất kỹ càng vì cam kết trách nhiệm bảo hiểm là lâu dài và cần có sự tính toán đầy đủ, hợp lý”, ông Nguyễn Anh Tuấn khuyến nghị.
Theo số liệu từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tại thời điểm cuối năm 2023, thị trường bảo hiểm hiện có 81 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ, 19 DNBH nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 29 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm) và 1 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài.
Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng doanh thu phí bảo hiểm (gồm nhân thọ và phi nhân thọ) 9 tháng đầu năm 2024 đạt 165.500 tỷ đồng, giảm 0,41% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, bảo hiểm phi nhân thọ ghi nhận doanh thu tăng gần 13%, ước đạt 58.540 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia dự báo, thị trường phi nhân thọ tại Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển với quy mô hiện nay là 2,8 tỷ USD, dự báo đạt 28 tỷ đô năm 2030.
Nguồn: https://vietnamfinance.vn